Doanh nghiệp chậm đóng BHYT bao lâu thì thẻ BHYT sẽ bị khoá

phần mềm BHXH eBH
4 min readFeb 8, 2023

Có nhiều trường hợp doanh nghiệp đóng chậm bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động tuy nhiên không tính toán kỹ lưỡng dẫn đến thiệt hại lớn về tài chính. Liên quan đến vấn đề này, chị Hà Phương Anh tại Hoàng Mai, TP. Hà Nội có hỏi như sau:

Vì một vài lý do công ty tôi đóng chậm BHYT cho người lao động. Tuy nhiên, để đảm bảo mức thiệt hại không quá lớn thì doanh nghiệp chậm đóng BHYT bao lâu thì thẻ BHYT sẽ bị khóa? và mức xử phạt đối với trường hợp chậm đóng BHYT như thế nào? Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Doanh nghiệp có thể chậm đóng bảo hiểm y tế để huy động vốn, tuy nhiên cần tính toán thật kỹ để thẻ BHYT không bị khóa ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, đồng thời giảm thiểu rủi ro về tài chính do bị xử phạt.

(1) Quy định về giá trị sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế

Căn cứ theo quy định tại Khoản 9, Điều 13, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và Khoản 2, Điều 47 của Quy trình ban hành kèm theo Văn bản số 2089/VBHN-BHXH quy định thẻ BHYT có giá trị sử dụng tương ứng số tiền đóng BHYT (trừ đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi).

Như vậy, thời điểm thẻ BHYT bị khóa và hết giá trị sử dụng là khi số tiền đóng BHYT đã được sử dụng hết trong thời hạn theo quy định.

Mặt khác, theo Khoản 3, Điều 19, Quy trình ban hành kèm theo Văn bản số 2089/VBHN-BHXH của Cơ quan BHXH Việt Nam quy định đối tượng quy doanh nghiệp, đơn vị hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, doanh nghiệp, đơn vị trích tiền đóng BHYT trên quỹ tiền lương tháng của NLĐ.

Như vậy, nếu chậm đóng BHYT quá 1 tháng thì thẻ BHYT sẽ bị khóa. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến lợi ích của người lao động khi đi khám chữa bệnh BHYT. Người lao động sẽ phải tự mình thanh toán toàn bộ chi phí mà không được hưởng quyền lợi hỗ trợ từ quỹ BHYT tại thời điểm đó.

(2) Xử lý đối với doanh nghiệp đóng chậm bảo hiểm y tế như thế nào?

Theo hướng dẫn tại Khoản 1, Điều 19, và Điểm 2.3, Khoản 2, Điều 47 của Quy trình ban hành kèm theo Văn bản số 2089/VBHN-BHXH, doanh nghiệp chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên thì phải chịu trách nhiệm theo quy định tại theo Khoản 3, Điều 49 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi bổ sung 2014. Cụ thể như sau:

  • Doanh nghiệp phải đóng đủ số tiền BHYT chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng;
  • Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của doanh nghiệp để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ BHYT.
  • Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.

Các chi phí phải hoàn trả nêu trên có thể gây thiệt hại lớn về tài chính cho doanh nghiệp, đơn vị đóng BHYT chậm. Vì vậy, phải hết sức lưu ý thời gian cho phép doanh nghiệp đóng chậm BHYT là không quá 30 ngày.

(3) Mức xử phạt đối với các doanh nghiệp, đơn vị đóng chậm BHYT

Ngoài trách nhiệm hoàn trả chi phí đã nợ thì tùy thuộc vào số lượng người lao động bị vi phạm, doanh nghiệp có thể bị phạt hành chính lên đến 40 triệu đồng theo quy định tại Khoản 2, Điều 80, Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Chi tiết các mức phạt đóng chậm BHYT như sau:

  • Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, khi vi phạm dưới 10 người lao động;
  • Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, khi vi phạm từ 10 đến dưới 50 người lao động;
  • Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, khi vi phạm từ 50 đến dưới 100 người lao động;
  • Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, khi vi phạm từ 100 đến dưới 500 người lao động;
  • Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, khi vi phạm từ 500 đến dưới 1.000 người lao động;
  • Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, khi vi phạm từ 1.000 người lao động trở lên.

Trong trường hợp nặng hơn người sử dụng lao động có thể bị xử lý hình sự về tội trốn đóng BHYT được quy định tại Điều 216, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp đóng chậm quá 1 tháng ngày theo quy định thì thẻ BHYT sẽ bị khóa, do đó doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý để có thể phòng ngừa rủi ro về tài chính tránh bị phạt và đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.

--

--